Admin
on 15 January, 2018
[Điểm tin]Bất động sản được gì sau 30 năm thu hút FDI?
“Có những quan điểm cho rằng bất động sản thì không nên thu hút quá nhiều FDI. Thế nhưng tôi lại cho rằng việc thu hút FDI vào bất động sản có thể tạo ra cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế”.
Đó là chia sẻ của GS. TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong cuộc trao đổi với
CafeLand mới đây.
GS. TSKH Nguyễn Mại Sau 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), theo ông Việt Nam được những gì?
Những tác động tích cực từ FDI có thể kể đến như tạo ra hiệu ứng về các ngành nghề mới, du nhập phương thức sản xuất, phân phối, kinh doanh tiến tiến, làm thay đổi tư duy và tập quán của doanh nghiệp và người dân. Có những ngành đã có công nghệ tiên tiến so với thế giới như dầu khí, điện tử, viễn thông.
Sau gần 30 năm thu hút vốn FDI, nước ta đã có hơn 23.000 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 300 tỷ USD, trong đó tổng số vốn thực hiện đạt khoảng 161 tỷ USD. FDI đã góp phần bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta. Đáng chú ý, khu vực FDI hiện chiếm đến 72% kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh đó, yếu tố nước ngoài cũng là lực đẩy khiến các thành phần kinh tế trong nước trở nên năng động, cạnh tranh hơn.
Ông nhìn nhận như thế nào về việc thu hút FDI trong lĩnh vực bất động sản?
Cách nhìn nhận bất động sản hiện nay thì cũng có những quan điểm khác nhau, cũng có những quan điểm cho rằng bất động sản thì không nên thu hút quá nhiều FDI. Thế nhưng tôi lại cho rằng đây là một loại thị trường có thể tạo ra cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế.
Bởi vì các doanh nghiệp FDI đầu tư vào bất động sản tức là họ đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng cho thuê, khách sạn vì vậy nên việc thu hút FDI vào bất động sản là rất cần thiết.
Khối doanh nghiệp FDI đã có tác động gì tới bất động sản Việt Nam 30 năm qua, thưa ông?Trên thực tế cũng không phải lúc nào các nhà đầu tư nước ngoài cũng tham gia vào bất động sản. Thời kỳ thị trường suy thoái có rất ít nhà đầu tư tham gia vào các dự án. Nhưng hiện nay là thời kỳ thị trường đang phát triển tương đối khá mà nhu cầu về văn phòng cho thuê ở các thị trường lớn như Hà Nội và TP.HCM, nhu cầu về nhà ở trong các phân khúc đều rất tốt cho nên không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam mà gần đây các doanh nghiệp như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan là bốn ông lớn đều tham gia vào thị trường.
Ngoài việc mua lại các dự án bất động sản đang gặp khó khăn về vốn thì họ còn tham gia tích cực vào việc góp cổ phần vào các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam. Cũng có nhiều ý kiến đánh giá hình thức này tích cực hơn là việc doanh nghiệp ngoại chỉ mua lại dự án từ doanh nghiệp Việt.
Ví dụ như một số doanh nghiệp Nhật họ tham gia vào các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam thì họ sẽ truyền lại cho doanh nghiệp nhiều kinh nghiệm cho đến marketing thị trường cho đến đưa ra những chính sách hấp dẫn với người tiêu dùng, liên kết với ngân hàng,… Những việc này rõ ràng có lợi cho việc nâng cao trình độ của doanh nghiệp Việt. Đó là những tiến bộ trong năm 2016 – 2017.
Ngoài ra hiện nay chúng ta đang hướng đến việc phát triển bất động sản xanh, tiết kiệm năng lượng. Hiện nay xu hướng đó đang được các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. Nếu tìm được những tập đoàn nước ngoài người ta đã thành công ở các nước lớn về đầu tư vào các dự án xanh thì rõ ràng sẽ làm cho đất nước phát triển. Đồng thời hỗ trợ tích cực cho thị trường bất động sản.
Năm lĩnh vực thu hút FDI nhiều nhất (lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 20/09/2017).
Nguồn: Cục đầu tư nước ngoàiTheo ông, Việt Nam cần có những giải pháp gì để thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI một cách hiệu quả?
Việt Nam được đánh giá lựa chọn hàng đầu khu vực đối với các nhà đầu tư quốc tế, trong bối cảnh Trung Quốc không còn giữ được sự hấp dẫn như trước, các nền kinh tế xung quanh thì thiếu ổn định về cả tăng trưởng cũng như chính trị. Cơ hội của chúng ta càng mở rộng khi nhiều hiệp định tự do thương mại với các đối tác lớn được ký kết thời gian qua.
Tuy nhiên, để tận dụng và phát huy hết những lợi thế này đòi hỏi nỗ lực đồng bộ rất lớn từ các bộ, ngành liên quan, trong đó quan trọng nhất tôi cho rằng phải minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư, giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp.
(Theo CafeLand).
VIỆT PHÚC - VÌ CUỘC SỐNG TỐT ĐẸP HƠN