Ngày 9.2, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã ký quyết định duyệt đề cương nhiệm vụ và tổng dự toán chi phí lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Tổng giá trị dự toán cho công tác điều chỉnh quy hoạch hơn 95 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, gồm các phần việc chính như lập đồ án, thẩm định đồ án, quản lý nghiệp vụ, tổ chức lấy ý kiến cộng đồng, thuê chuyên gia phản biện… Sở Quy hoạch – Kiến trúc được giao làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành công tác lập đồ án vào cuối quý III/2022.
UBND TP.HCM xác định việc điều chỉnh quy hoạch chung phù hợp với định hướng phát triển của toàn vùng kinh tế trọng điểm phía nam, hướng tới phát triển thành phố thành trung tâm giao thương quốc tế và quốc gia; trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực; là trung tâm du lịch, tài chính – thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh quy hoạch nhằm đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố, tạo điều kiện khả thi để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị hiện nay như dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và an ninh quốc phòng. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý phát triển, đầu tư xây dựng các khu vực trong đô thị và hoàn thiện hệ thống kỹ thuật khung của đô thị theo quy hoạch.
Phạm vi ranh giới lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính TP.HCM với diện tích 2.095 km2 và khu vực biển Cần Giờ; cụ thể phía bắc giáp Bình Dương; phía tây giáp Tây Ninh, Long An và Tiền Giang, phía Đông giáp Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, phía nam giáp biển Đông.
Phạm vi nghiên cứu đồ án điều chỉnh quy hoạch chung là toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM và 7 tỉnh xung quanh thuộc vùng TP.HCM (vùng kinh tế trọng điểm phía Nam) gồm: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang với diện tích khoảng 30.404 km2.
(Theo Sỹ Đông - Thanh Niên).